Cha Đẻ Cháo Sen Bát Bảo – Bỏ qua nhiều thú vui của bản thân để nâng cao giá trị nông nghiệp Việt
“Cả đời tôi, lấy công việc làm say mê nhiệt huyết và chinh phục đỉnh cao. Nhưng để đánh đổi cho những điều đó, tôi chưa được hưởng thụ bất cứ niềm vui nào như bao người khác”.
Triết lý “Kinh doanh đi từ nhà ra ngõ”
Nhắc đến Minh Trung Group là nhắc đến Cháo sen Bát bảo cùng hành trình chắt lọc những tinh túy của đất trời để tạo ra hương vị ẩm thực của quê hương. Đến thời điểm hiện tại, dòng sản phẩm đã đi vào tiềm thức của người tiêu dùng Việt nhưng ít ai biết đằng sau sản phẩm nổi danh đất Việt là một câu chuyện dài về cả cơ duyên và cả triết lý kinh doanh khác biệt của “cha đẻ” thương hiệu Cháo sen Bát Bảo - ông Nguyễn Đắc Minh!
Để Minh Trung Group có chỗ đứng trên thị trường và giữ vững được vị trí đó trong suốt gần 16 năm qua không phải là điều dễ dàng. Chia sẻ về những năm tháng khởi nghiệp, ông Nguyễn Đắc Minh bồi hồi nhớ lại cơ duyên đã đưa ông đến với cháo sen. “Năm 1998, trên một chuyến bay, tôi đã vô tình gặp một người Pháp sang Việt Nam để đầu tư vào nông nghiệp và cơ khí. Ý tưởng nhỏ đã đến với tôi trên một chuyến bay ấy. Trong chuyến bay lên trời đó, tôi đã nhìn xuống mặt đất, thấy đất đai, vườn tược cây cối của quê hương mình. Tôi nghĩ mình phải làm giàu bằng chính những thứ quý giá trên đất nước mình".
Sau đó là khoảng thời gian bắt đầu đầy vất vả gian nan, từ việc nghiên cứu nguyên liệu, mua nhà máy đến lựa chọn nhân sự. Ông Nguyễn Đắc Minh cho rằng mình cảm thấy may mắn khi tìm được những cộng sự cùng chung đam mê biến những nguyên liệu thô thành thực phẩm tinh nhằm nâng cao giá trị nông nghiệp của chính người Việt.
Với phương châm đề cao chất lượng, chắt lọc những gì tinh túy nhất, mang những thương hiệu thuần Việt, nông sản Việt, mang văn hóa ẩm thực của người Việt, phục vụ chính sở thích của người Việt, ông đã thành công với dấu ấn đậm nét của Cháo sen Bát Bảo.
Ông chủ Bát Bảo cho hay, mình sinh ra với nghiệp “xóa đói giảm nghèo” và những điều bình dị nhất, điều đó khiến cho ông luôn trăn trở với những sản phẩm của người Việt. “Giá trị bền vững của một doanh nghiệp là đem lại giá trị cao nhất cho người dùng. Vì vậy, chúng tôi dù làm gì, nhiều hay ít đều phải có điểm nhấn”.
Điểm nhấn ấy của ông là làm ra bát cháo ăn liền mang hương vị của bàn tay người mẹ, bát cháo ăn liền mang hương vị gần gũi nhất với người dân Việt. Vị quê, hồn Việt chẳng đâu xa, là bát cháo sen xanh đủ vị tuổi thơ ta từng nếm.
Khi cháo sen đã ghi được dấu ấn trong lòng người tiêu dùng ông tìm đến “ngọc thực” của người Việt, hạt gạo được kết tinh từ những hương vị ngọt ngào của quê hương. Chính vì vậy, Minh Trung Group bước vào lĩnh vực kinh doanh gạo và xuất khẩu sang nước ngoài.
Trong tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp vừa qua, khi các quốc gia trên thế giới thiếu hụt nguồn lương thực trầm trọng và giá gạo xuất khẩu tăng cao, Minh Trung chọn ngừng các hoạt động xuất khẩu và thu mua gạo lại để thị trường đi vào bình ổn giá mới đưa sản phẩm đến người tiêu dùng.
Đó chính là triết lý kinh doanh của ông “đi từ nhà ra ngõ” thấm đượm tình nhân văn và đề cao dân tộc “Người Việt mình đã ăn ngon rồi thì họ sẽ đưa đi khắp năm châu bốn bể và tạo dựng thương hiệu cho người Việt. Chúng ta ăn ngon thì khách hàng sẽ ăn ngon. Người Việt nên tôn trọng sản phẩm của người Việt”.
Triết lý “từ nhà ra ngõ” trong kinh doanh còn được ông áp dụng trong văn hóa doanh nghiệp mình. Ông Đắc Minh đích thân chỉ bảo từng nhân viên trong tập đoàn, từ những điều nhỏ nhất để thương hiệu tâm huyết được chắp cánh bay cao.
“Một tay tôi dạy hàng trăm nhân viên trong tập đoàn. Cứ một tuần, các bộ phận phải về đây làm việc với tôi một buổi và tự tay tôi sắp đặt tất cả. Chỉ có tôi mới hiểu kỹ hồ sơ và các con số. Tôi thích và nếu không làm như vậy thì tôi không chịu được. Chỉ như vậy thì khi nhân viên nghỉ việc hoặc gặp rắc rối tôi mới giải quyết được”.
Sự nghiêm khắc và cầu toàn của ông chủ Cháo sen Bát Bảo đặt nền móng vững chãi trong hành trình dài nhiều thăng trầm nhưng rất đáng tự hào của doanh nghiệp này. Sự cầu toàn đó giúp ông “mở đường máu” cho doanh nghiệp mình trong thời gian dịch Covid-19.
“Chúng tôi có sự chuẩn bị từ trước cho bất kỳ tình huống khó khăn nào. Chúng tôi là tập đoàn đa ngành nghề và đã tận dụng những gì tốt nhất để bù cho cái thiếu, san phẳng cái thừa. Minh Trung phân bổ, hỗ trợ và luân chuyển nhân viên sang các bộ phận khác để vẫn có thể hưởng lương bình thường. Nhân viên của chúng tôi không bị ảnh hưởng gì cả”.
“Bên cạnh việc đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng lớn của người dân cả nước, bình ổn giá thị trường, giải quyết được sự khó khăn cho CBNV trong giai đoạn bị ảnh hưởng bởi dịch covid 19, Minh Trung còn mua thoái vốn các Công ty Nhà nước đang gặp khó khăn, vận dụng sự sáng tạo, tư duy sẵn có và nguồn gốc bản chất của sự thông minh, hiểu biết để vực dậy các công ty đó” – Ông Đắc Minh cho biết.
Thành công của Minh Trung Group ngày hôm nay còn được ông đề cập đến với sự khác biệt và quyết tâm“Thành công là phải có sự khác biệt, phải có sự đổi mới, phải có sự khó khăn, phải làm được những điều người khác chưa làm hoặc không làm được thì mới thành công. Cứ đến đi, nghèo cũng được. Cứ vui đi, sức trẻ mà, vứt đi cũng chẳng chết. Cứ làm đi với tất cả sự đam mê, thành công sẽ đến, cứ đi đi ắt sẽ công thành. Mọi việc dù khó khăn đến đâu, vất vả đến nhường nào, chúng ta đều phải nhìn vào mặt tích cực. Thành công chắc chắn sẽ quay lại với chúng ta, bù đắp cho những tháng ngày đầy chông gai, thử thách.”
Triết lý, quan điểm của sự thành công đã được ông đúc kết thành những châm ngôn riêng của mình, “soi sáng”, dẫn lối cho các thế hệ sau:
“Thành công không dành cho những người lười biếng
Thành công không dành cho những người gian dối
Thành công không dành cho những người thiếu tự tin
Thành công không dành cho những người thay đổi nhiều
Thành công không dành cho những người học không rộng,
hỏi không kỹ, nghĩ không thấu”
Niềm vui “lạ kỳ” cân bằng giữa cuộc sống và công việc
Có thể nói, ông Nguyễn Đắc Minh là một trong những đại gia của làng doanh nhân Việt, thế nhưng cách mà vị doanh nhân này tận hưởng cuộc sống có những điểm khác biệt thú vị.
Không giống những đại gia khác của Việt Nam, người chèo lái Cháo sen Bát Bảo toát lên sự gần gũi và bình dị vô cùng. Ông có những thú vui vô cùng bình dị, như “Tôi dừng lại một vài phút khi công việc căng thẳng, để cất lên một tiếng hát, làm một vần thơ, nghĩ về đức tin và những điều tích cực” để cân bằng và tái tạo năng lượng trong cuộc sống.
Ông sáng tác thơ văn, ca hát rồi đăng lên youtube như một tín đồ công nghệ thực thụ. Có thể tìm được rất nhiều video youtube của ông, thậm chí những bài dạy con cái, những câu châm ngôn dành cho nhân viên, tập đoàn cũng được ông phổ thành thơ và lồng nhạc. Ông cho rằng thay vì mở một trường học thì văn phòng, tập đoàn chính là một trường đại học, cho cán bộ vừa học vừa làm, học đi đôi với hành. Điều này cùng một lúc giải quyết hai vấn đề, một mặt có thể đào tạo kỹ năng làm việc cho cán bộ công nhân viên, mặt khác có thể nâng cao giá trị cho mỗi người, giúp họ thành đạt trong cuộc sống.
Ông chủ Bát Bảo còn tiết lộ rất yêu thích thiền định. Đức tin này được ông xem như “kim chỉ nam” cả trong cuộc sống lẫn công việc.
“Tối về tôi tìm đến đức tin, thiền để chiêm nghiệm lại cuộc đời. Thành công của tôi trong ngày hôm nay không phải tôi thông minh mà tôi có một đức tin rất lớn trong cuộc đời này. Có một điều gì đó đã độ cho tôi, cho tôi có tình yêu và sức khỏe và có khả năng lấy đi niềm vui đời thường để đem lại đức tin đó. Tôi muốn để lại một điều gì đó là biểu tượng của đức tin, cho tập thể lãnh đạo, cán bộ công nhân viên trong tập đoàn. Vì thế tôi luôn dạy nhân viên và con cái mình là làm cái gì cũng phải có đức tin, đó là điều nhân văn và tốt nhất trong xu thế toàn cầu hóa.”
“Tôi luôn răn dạy nhân viên về đức tin, về những sự tử tế bình dị trong cuộc sống, về những giá trị nhân văn cao cả, kết nối các “mắt xích” lại với nhau bởi chỉ khi có sự đồng lòng thì doanh nghiệp mới thành công bền vững. Chúng ta không thể ngủ quên trên chiến thắng vì thành công của hôm nay mới chỉ là những bước khởi đầu, những bậc thang tiếp nối cho giá trị tương lai.”
Có lẽ vì vậy mà văn hóa doanh nghiệp của Cháo sen Bát Bảo là sự đoàn kết, luôn có sự chia sẻ kinh nghiệm của thế hệ đi trước và sự nhiệt huyết cống hiến của thế hệ sau “tra già măng mọc.”
Ánh mắt ông chủ Cháo sen lấp lánh khi kể về những mối lương duyên được dệt lên ngay trong tập đoàn. “Công ty này là một đại gia đình. Đến công ty tôi là đến một tổ ấm thứ 2, đã bao nhiêu cặp vợ chồng lấy nhau rồi. Rồi thế hệ sau của họ lại tiếp tục làm việc ở đây nữa. Không biết từ bao giờ, tôi coi đây là một trách nhiệm của mình, điều tôi phải làm là đem lại cho những con người tại Minh Trung niềm tin và giá trị cao nhất.” Chính vì vậy mà ông đã đúc kết một châm ngôn cả trong cuộc sống và kinh doanh.:
“Đời người tựa như ong xây tổ
Như ong chúa đậu nơi đất ngọt lành
Bao ong thợ miệt mài xây tổ
Đem mật ngọt vững chãi đức tin
Ong còn đoàn kết chăm chỉ, huống chi con người”
“Tôi chưa được hưởng niềm vui của tuổi trẻ như bao người khác”
Sự nghiệp đã chiếm gần như toàn bộ thời gian của tuổi trẻ, nhiệt huyết làm việc và chinh phục nhưng để đánh đổi cho những điều đó, ông chủ Bát Bảo cho rằng mình phải hy sinh nhiều thứ đầy tiếc nuối “Tôi chưa được hưởng thụ bất cứ niềm vui như bao người khác. Tuổi thanh xuân của tôi chưa được hưởng những thú vui dù là bình dị, nhỏ bé, tôi dành hết tình yêu cho công việc, đó là điểm yếu của tôi”.
Nhưng những tiếc nuối ấy của cuộc đời ông được bù đắp lại bằng thế hệ sau với:
“Bao cuộc đời gắn bó âu lo
Đắp xây nên gương mặt cơ đồ
Một công ty Minh Trung giữa đài hoa rạng rỡ
Ta tự hào và kiêu hãnh ca.”
“Tôi rất muốn con mình theo nghiệp của bố nhưng không ép buộc. Trong cuộc đời này, nếu như cố uốn ép người khác theo ý mình thì sẽ không thành công. Tôi mong muốn con bay thật cao, con thử sức mình và chinh phục những điều con mong muốn. Bố sẽ như một người bạn đồng hành cùng con. Sau đó con thành hay bại bố cũng sẽ giang tay tự hào. Lúc đó con cần gì, trong tập đoàn hoặc trong cuộc sống gia đình? Bố đều sẽ cho con.”
Chính vì tư tưởng đó mà khi con trai quyết định thử sức bên ngoài Minh Trung Group, ông chỉ nhẹ nhàng hỏi một câu “Con ra đi có tiếc không?”; nhận được câu trả lời “Con có tiếc” đáy lòng của ông rất vô cùng vui mừng, vì “Chỉ sợ con không tiếc thì không bao giờ muốn quay lại, không muốn gánh vác sự nghiệp thay bố."
"Con thoải mái bay cao đi, thỏa sức nếm đi, để bố lùi lại sau lưng dạy dỗ em con trưởng thành giống như bao người khác. Tre già măng mọc và các con phải thương yêu nhau, đưa em con đến chân trời mới, đọc những quyển sách hay, nói những câu nói thật đẹp để thỏa sức mong muốn của bố. Điều mong muốn của bố là một gia đình hạnh phúc và các con thật trọn vẹn. Điều trả ơn cho bố những ngày tháng mà cuộc đời bố đã đi qua" Đó chính là tâm niệm của ông - Người đã cả đời cống hiến để nâng cao giá trị nông nghiệp Việt Nam.