Minh Trung Group giúp bà con nông dân xây dựng vùng nguyên liệu bền vững để thúc đẩy xuất khẩu nông sản
Vượt lên những thách thức do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, sự nỗ lực trong chỉ đạo sản xuất, kết nối, tiêu thụ nông sản của ngành nông nghiệp tỉnh Hòa Bình những năm gần đây đã đạt được kết quả tích cực. Để tiếp tục đưa nền nông nghiệp phát triển tương xứng với tiềm năng, lợi thế sẵn có của địa phương, giúp nâng tầm thương hiệu sản phẩm, mang lại thu nhập cao hơn cho người dân, doanh nghiệp (DN). Nhà máy cháo sen bát bảo Minh Trung tích cực vào cuộc, phối hợp các cấp, ngành từng bước hình thành vùng nguyên liệu bền vững, mở cánh cửa mới cho hành trình "xuất ngoại” những nông sản thế mạnh của tỉnh trong tương lai.
Những tín hiệu khởi sắc
Mặc dù chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19, giá trị xuất khẩu nông sản vẫn tăng trưởng bằng hoặc cao hơn cùng kỳ những năm trước, góp phần tăng giá trị sản xuất toàn ngành. Giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản ước đạt 20.521 tỷ đồng, tăng 1,9% so với cùng kỳ năm trước; giá trị sản xuất toàn ngành đạt 11,97 nghìn tỷ đồng. Đến tháng 4/2022, tỉnh đã cấp được 14 mã số vùng trồng (MSVT) với trên 168 ha canh tác cho các loại cây trồng như: Chuối, thanh long, nhãn, bưởi và 10 mã số cơ sở đóng gói (MSCSĐG), tăng 5 MSVT với 92,43 ha và 4 MSCSĐG so với năm 2020. Đến nay, giá trị sản xuất trên 1 ha đất canh tác đạt trên 128 triệu đồng/năm. Tại các địa phương trong tỉnh dần hình thành vùng sản xuất hàng hóa, chuỗi liên kết và tiêu thụ phục vụ công nghiệp chế biến theo hướng sản xuất đạt tiêu chuẩn VietGAP, các tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm (ATTP). Quan trọng hơn là chuyển đổi cây trồng đã từng bước giúp nông dân tiếp cận phương pháp canh tác hiện đại, thích ứng với biến đổi khí hậu, thay đổi nhận thức của nhiều nông hộ hướng đến sản xuất nông nghiệp có hàm lượng kỹ thuật cao gắn với nhu cầu thị trường...
Cơ hội đan xen thách thức
Việc thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp những năm qua đã xác định được các vùng sản xuất tập trung, hoàn thiện tiêu chuẩn, quy chuẩn sản xuất, xác định cây trồng, vật nuôi chủ lực để đầu tư xây dựng chuỗi giá trị. Dù vậy, ngoài có thêm những cơ hội mới cho xuất khẩu nông sản, ngành nông nghiệp tỉnh Hòa Bình vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức.
Thực tế hiện nay, không ít vùng nguyên liệu trên địa bàn tỉnh dần hình thành nhưng chưa được tổ chức bài bản, hạ tầng sản xuất chưa đáp ứng những yêu cầu xuất khẩu. Sản xuất nông nghiệp chủ yếu ở quy mô nhỏ lẻ nên khó áp dụng công nghệ cao và kiểm soát ATTP, tính cạnh tranh của nông sản, hiệu quả sản xuất chưa cao; lãng phí sản xuất và tổn thất sau thu hoạch vẫn tồn tại. Mặt khác, giá đầu vào nông nghiệp như: Phân bón, thuốc bảo vệ thực vật... liên tục tăng, tốc độ tăng cao hơn tốc độ tăng giá của nông sản, ảnh hưởng tới thu nhập của nông dân dù là vụ được mùa. Việc chưa hình thành vùng nguyên liệu gắn với liên kết phục vụ chế biến, tiêu thụ của DN cũng ảnh hưởng đến một số chính sách chưa được thực hiện đồng bộ, nhất là các chính sách tín dụng, bảo hiểm nông nghiệp, quản lý chất lượng vùng trồng gắn với liên kết theo chuỗi giá trị...
Xây dựng vùng nguyên liệu tập trung để phục vụ công nghiệp chế biến
Mới đây, sau hội thảo xây dựng, phát triển vùng nguyên liệu sản phầm trồng trọt phục vụ công nghiệp chế biến, Nhà máy cháo sen bát bảo Minh Trung đã thống nhất với huyện Yên Thủy tập trung liên kết sản xuất - tiêu thụ 2 sản phẩm chính là lạc và ngô nếp. Theo đó, nhà máy cháo sen bát bảo Minh Trung tạm mua 50 tấn lạc củ của hợp tác xã Yên Trị; sau khi sơ chế sản phẩm (10 - 15 ngày) sẽ có thông báo chính thức quy cách và số lượng, đơn giá với địa phương. Đây là bước đầu trong việc hình thành vùng nguyên liệu sản xuất của cả nhà máy cháo sen bát bảo Minh Trung nói riêng và của huyện Yên Thủy, của tỉnh nói chung. Dự kiến cuối năm nay, 2 bên sẽ tổ chức hội nghị đánh giá kết quả bước đầu và xây dựng kế hoạch cụ thể phát triển vùng nguyên liệu chuyên canh 3 vụ (ngô, lạc vụ xuân; lúa nếp, ngô, lạc vụ mùa, hè thu; ngô, lạc vụ đông).
Ông Nguyễn Đắc Minh – Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Minh Trung Việt Nam chia sẻ: “Qua khảo sát tại địa bàn huyện Yên Thủy, chúng tôi nhận thấy địa phương có những giống gốc nông sản và chất lượng, phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, nguồn nhân lực sản xuất... Để hình thành được vùng nguyên liệu phục vụ cho chế biến, nông sản do nông dân sản xuất phải chú trọng đến các khâu: phân loại sản phẩm, bảo quản, sơ chế nông sản, thương mại điện tử, hợp tác xã số... Việc kết hợp những lợi thế sẵn có với tiến bộ khoa học kỹ thuật chắc chắn giúp nâng cao được giá trị nông sản, tăng thu nhập cho nông dân. Minh Trung sẽ chung tay giúp bà con nông dân.”
Các hợp tác xã trên địa bàn huyện là đầu mối chỉ đạo sản xuất tới nông dân với các sản phẩm chủ lực, đặc biệt là sản xuất sản phẩm nông nghiệp sạch, an toàn. Thông qua hợp tác xã có thể tổ chức lại sản xuất, tổ chức lại thị trường để xây dựng các chuỗi ngành hàng từ đồng ruộng tới thị trường. Do đó, huyện đã, đang phối hợp tập trung thực hiện các nhóm giải pháp cho từng nhóm hợp tác xã. Hướng dẫn hợp tác xã xây dựng phương án sản xuất kinh doanh có hiệu quả, trong đó đẩy mạnh chuyển đổi phương thức hoạt động từ dịch vụ đầu vào sang sản xuất hàng hóa; đưa giống mới có năng suất, chất lượng tốt vào sản xuất, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật để sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn và kết nối sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm.
Đồng chí Vương Đắc Hùng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết: “Với những lợi thế về đất đai, nguồn lao động, nông sản phong phú, đa dạng, chất lượng tốt..., Hòa Bình có đủ khả năng để xây dựng vùng nguyên liệu trồng trọt phục vụ công nghiệp chế biến theo một lộ trình bài bản. Để phát triển được vùng nguyên liệu, các DN cần cân đối, rà soát lại trong tất cả các khâu sản xuất; đồng thời phân công bộ phận đầu mối phụ trách việc kết nối với ngành, đơn vị chuyên môn để khảo sát vùng nguyên liệu, cách thức tổ chức, bao tiêu và tiêu thụ sản phẩm; chú trọng đến đảm bảo các tiêu chí ATTP, liên kết chặt chẽ với các HTX...”
Việc nhà máy cháo sen bát bảo Minh Trung phối hợp cùng bà con nông dân thực hiện triển khai các vùng sản xuất tập trung, hoàn thiện tiêu chuẩn, quy chuẩn sản xuất, xác định cây trồng, vật nuôi chủ lực để đầu tư xây dựng chuỗi giá trị nông sản thật sự là một việc làm thiết thực và cần thiết trong giai đoạn hiện nay.